Xây dựng nội quy lao động

10:03 - 01/09/2019

Xây dựng nội quy lao động

Hiện nay, văn hóa doanh nghiệp trở thành vấn đề quan trọng trong nhiều công ty, là yếu tố quyết định cho sự tồn tại lâu dài của nhiều doanh nghiệp. 

Xây dựng nội quy lao động

Hiện nay, văn hóa doanh nghiệp trở thành vấn đề quan trọng trong nhiều công ty, là yếu tố quyết định cho sự tồn tại lâu dài của nhiều doanh nghiệp. Để coi trọng văn hóa, doanh nghiệp nên chú trọng đào tạo cho đội ngũ nhân viên và xây dựng nội quy lao động. Nội dung của nội quy lao động cần chặt chẽ về cách dạy nhân viên mới từ các quy định của pháp luật lao động đến cách ứng xử cho tới cách giao tiếp qua các công việc đơn giản nhất như pha trà, quét dọn, chào hỏi, phong cách ăn mặc, phong thái….

Nội quy lao động quy định về biểu thời giờ làm việc của người lao động, như thời giờ bắt đầu cũng như thời giờ kết thúc công việc trong ngày, tuần, tháng. Đó là các quy định về thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần, thời gian nghỉ giải lao giữa các buổi làm việc; quy định về việc tăng ca, làm thêm giờ; ngày nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ, nghỉ phép năm, nghỉ ốm, nghỉ không hưởng lương…Các nội dung cơ bản của nội quy lao động theo pháp luật lao động và các quy định có liên quan như sau:

Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:

Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được quy định cụ thể, chi tiết tại Khoản 1 Điều 27 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP như sau: Quy định thời giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trong 01 tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc ca làm việc; làm thêm giờ (nếu có); làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt; thời điểm các đợt nghỉ ngắn ngoài thời gian nghỉ giữa giờ; nghỉ chuyển ca; ngày nghỉ hàng tuần; nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương. Việc quy định thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong nội quy lao động không chỉ có ý nghĩa bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người lao động mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng một môi trường lao động có trật tự, kỷ cương, nề nếp và văn minh.

Trật tự tại nơi làm việc

Theo Khoản 2 Điều 27 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP, trật tự tại nơi làm việc: Quy định phạm vi làm việc, đi lại trong thời giờ làm việc; văn hóa ứng xử, trang phục; tuân thủ phân công, điều động của người sử dụng lao động (trừ trường hợp thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và sức khỏe của mình).

Điều này có một ý nghĩa thiết thực trong một môi trường lao động trật tự, kỷ cương, nề nếp. Tùy thuộc vào những đặc thù khác nhau của từng ngành nghề, từng công việc mà các quy định về giữ trật tự tại nơi làm việc có những điểm khác nhau. Căn cứ vào từng đặc điểm và tính chất công việc mà người sử dụng lao động ban hành các quy định về trật tự tại nơi làm việc cho phù hợp.

An toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc:

Khoản 3, Điều 27 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc: Quy định rõ trách nhiệm nắm vững các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; chấp hành biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tuân thủ nội quy, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động; sử dụng và bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân; vệ sinh, khử độc, khử trùng tại nơi làm việc.

Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động

Trong quá trình người lao động tham gia vào quan hệ lao động sẽ được người sử dụng lao động bàn giao các tài sản có liên quan để thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao. Mặt khác, trong các lĩnh vực đặc thù và ở những vị trí quan trọng, người lao động còn có thể nắm bắt được các bí mật kinh doanh, công nghệ của cơ quan, doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc bảo vệ tài sản, bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ và sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động là nghĩa vụ quan trọng, bắt buộc của người lao động khi quan hệ lao động được thiết lập. Đồng thời, trong nội quy lao động cần phải quy định cụ thể về những bí mật kinh doanh, công nghệ, sở hữu trí tuệ của đơn vị mình để người lao động biết và thực hiện.

Theo Khoản 4, Điều 27 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định bảo vệ tài sản, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động: Danh mục tài sản, tài liệu, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ phải bảo vệ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.

Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất

Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất là một nội dung rất quan trọng, cần thiết phải được quy định trong nội quy lao động.  Đây là căn cứ pháp lý để người sử dụng lao động xử lý kỷ luật khi người lao động có hành vi vi phạm.Nội quy lao động phải cụ thể hóa từng loại hành vi vi phạm cũng như mức độ vi phạm tương ứng; các hình thức kỷ luật lao động; xác định các loại trách nhiệm vật chất, phương thức bồi thường sao cho phù hợp, thích ứng với với đặc điểm của từng đơn vị mà không trái với các quy định của pháp luật.

Chi tiết xin liên hệ công ty luật Hnlaw & Partners

Email: tuvan.hnlaw@gmail.com

Định hướng ngành pháp chế
Những điểm mới khóa học pháp chế
Giải quyết tranh chấp trong doanh nghiệp
Đào tạo pháp chế tận tâm
Pháp chế ngân hàng