Lĩnh vực bất động sản

10:40 - 25/05/2021

Lĩnh vực bất động sản Bất động sản là tài sản, nhưng khác với các loại tài sản khác là chúng không thể di dời được. Bất động sản là một loại sản phẩm đặc thù có giá trị cao, do vậy việc kinh doanh bất động sản cũng có những đặc điểm riêng biệt. 

Lĩnh vực bất động sản

Bất động sản là tài sản, nhưng khác với các loại tài sản khác là chúng không thể di dời được. Bất động sản là một loại sản phẩm đặc thù có giá trị cao, do vậy việc kinh doanh bất động sản cũng có những đặc điểm riêng biệt.

Kinh doanh bất động sản là một trong những lĩnh vực kinh doanh hiện nay đang phát triển mạnh, thu hút nhiều nhà đầu tư. Kinh doanh bất động sản là việc bỏ vốn đầu tư tạo lập, mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản để bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua nhằm mục đích sinh lợi. Kinh doanh dịch vụ bất động sản là các hoạt động hỗ trợ kinh doanh bất động sản và thị trường bất động sản, bao gồm các dịch vụ môi giới bất động sản, định giá bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, tư vấn bất động sản, đấu giá bất động sản, quảng cáo bất động sản, quản lý bất động sản.

1. Căn cứ pháp lý

  • Luật kinh doanh bất động sản năm 2014
  • Nghị định 76/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản

2. Khái niệm, đặc điểm và nguyên tắc trong kinh doanh bất động sản (BĐS)

  • Khái niệm: Theo khoản 1 Điều 3 Luật kinh doanh bất động sản 2014, Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; dịch vụ tư vấn bất động sản hoặc quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi.
  • Kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các nguyên tắc như sau:

– Bình đẳng trước pháp luật; tự do thỏa thuận trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên thông qua hợp đồng, không trái quy định của pháp luật.

– Bất động sản đưa vào kinh doanh phải có đủ điều kiện theo quy định của Luật này.

– Kinh doanh bất động sản phải trung thực, công khai, minh bạch.

– Tổ chức, cá nhân có quyền kinh doanh bất động sản tại khu vực ngoài phạm vi bảo vệ quốc phòng, an ninh theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

  • Đặc điểm của Kinh doanh BĐS

– Hoạt động mang tính cục bộ và khu vực

– Hoạt động đầu tư lớn và lâu dài

– Hoạt động nhạy cảm, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của pháp luật và chính sách

– Hoạt động kinh doanh Bất Động Sản vừa là hoạt động kinh doanh đa ngành, vừa là hoạt động kinh doanh đặc thù

3. Phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản (Điều 11 Luật Kinh doanh bất động sản 2014)

Tổ chức, cá nhân trong nước được kinh doanh bất động sản dưới các hình thức sau đây:

  • Mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua;
  • Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại;
  • Đối với đất được Nhà nước giao thì được đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua; chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền theo quy định của pháp luật về đất đai; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng kỹ thuật đó;
  • Đối với đất được Nhà nước cho thuê thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê; đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;
  • Đối với đất được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thì được đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua;
  • Đối với đất nhận chuyển nhượng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thì được đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua;
  • Đối với đất thuê của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thì được đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để cho thuê theo đúng mục đích sử dụng đất;
  • Nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua;
  • Nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để chuyển nhượng, cho thuê đất đã có hạ tầng kỹ thuật đó.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản dưới các hình thức sau đây:

  • Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại;
  • Đối với đất được Nhà nước cho thuê thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê; đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;
  • Đối với đất thuê của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thì được đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để cho thuê theo đúng mục đích sử dụng đất;
  • Nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua;
  • Đối với đất được Nhà nước giao thì được đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;
  • Đối với đất thuê, đất nhận chuyển nhượng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì được đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để kinh doanh theo đúng mục đích sử dụng đất.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh bất động sản dưới các hình thức sau đây:

  • Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại;
  • Đối với đất được Nhà nước cho thuê thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê; đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;
  • Nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua;
  • Đối với đất được Nhà nước giao thì được đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;
  • Đối với đất thuê trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì được đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để kinh doanh theo đúng mục đích sử dụng đất.

4. Các loại bất động sản đưa vào kinh doanh (Điều 5 Luật kinh doanh BĐS 2014)

  • Nhà, công trình xây dựng có sẵn của các tổ chức, cá nhân;
  • Nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai của các tổ chức, cá nhân;
  • Nhà, công trình xây dựng là tài sản công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đưa vào kinh doanh;
  • Các loại đất được phép chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì được phép kinh doanh quyền sử dụng đất.

5. Các hành vi bị cấm khi kinh doanh bất động sản (Điều 8 Luật kinh doanh BĐS năm 2014)

  • Kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định của Luật này.
  • Quyết định việc đầu tư dự án bất động sản không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
  • Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản.
  • Gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản.
  • Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết.
  • Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
  • Cấp và sử dụng chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản không đúng quy định của Luật này.
  • Thu phí, lệ phí và các khoản tiền liên quan đến kinh doanh bất động sản trái quy định của pháp luật.

6. Điều kiện để đưa BĐS vào kinh doanh (Điều 9 Luật kinh doanh BĐS năm 2014)

Nhà, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Có đăng ký quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất trong giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất. Đối với nhà, công trình xây dựng có sẵn trong dự án đầu tư kinh doanh bất động sản thì chỉ cần có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

– Không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất;

– Không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

Các loại đất được phép kinh doanh quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

– Không có tranh chấp về quyền sử dụng đất;

– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

– Trong thời hạn sử dụng đất.

7. Điều kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS (Điều 3 Nghị định 76/2015/NĐ-CP)

Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng, trừ các trường hợp sau:

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên quy định tại Điều 5 Nghị định 76/2015/NĐ-CP, như sau:

  • Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản mà không phải do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh và trường hợp hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh những dự án có tổng mức đầu tư dưới 20 tỷ đồng (không tính tiền sử dụng đất).
  • Tổ chức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà, công trình xây dựng do phá sản, giải thể, chia tách.
  • Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (AMC), công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các tổ chức, cá nhân khác chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án bất động sản, bán nhà, công trình xây dựng đang bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ.
  • Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà, công trình xây dựng để xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xử lý tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.
  • Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua mà không phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về nhà ở.
  • Các cơ quan, tổ chức khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà, công trình xây dựng thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công.
  • Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản thuộc sở hữu của mình.

– Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản quy định tại Chương IV Luật Kinh doanh bất động sản 2014

Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thuộc diện có vốn pháp định theo quy định phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của số vốn pháp định.

Trên đây là bài viết của Công ty luật Hnlaw & Partners về Hoạt động kinh doanh bất động sản. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác Quý khách hàng vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài số: 0912.918.296 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác của Quý khách hàng!

Chi tiết xin liên hệ Công ty luật Hnlaw & Partners

Email: tuvan.hnlaw@gmail.com

http://www.hnlaw.vn/tu-van-doanh-nghiep

https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx

Dịch vụ thu hộ
Bao thanh toán
Trái phiếu doanh nghiệp
Mượn tài sản
Góp vốn vào doanh nghiệp