Hòa giải và thương lượng
08:39 - 05/01/2021
Hòa giải và thương lượng Câu hỏi: So sánh điểm giống và khác nhau giữa thương lượng và hoà giải trong quan hệ thương mại. Xin cảm ơn. Trả lời: Pháp luật hiện hành đã có một số quy định liên quan đến thương lượng, hòa giải
Hòa giải và thương lượng
Câu hỏi:
So sánh điểm giống và khác nhau giữa thương lượng và hoà giải trong quan hệ thương mại. Xin cảm ơn.
Trả lời:
Pháp luật hiện hành đã có một số quy định liên quan đến thương lượng, hòa giải như là một trong các phương thức giải quyết tranh chấp.
Theo điều 7, bộ luật dân sự năm 2015 thì trong quan hệ dân sự, việc hòa giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích.
Điều 11 Luật Thương mại năm 2005 quy định về nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại: “các bên có quyền tự do thỏa thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại…”.
Điều 317 Luật Thương mại có quy định thương lượng là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp nhưng hình thức này chưa được quy định một cách cụ thể.
Điều 317 Luật Thương mại cũng quy định hòa giải là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp. Hơn nữa, theo điều 3, nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại thì hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định.
Theo điều 4, nghị định 22/2017/NĐ- CP quy định về các giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại thì
- Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
- Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
- Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.
Điều 14 Luật Đầu tư năm 2020 quy định: “Tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định”.
Như vậy từ những quy định cơ bản trên, thì có thể phân biệt hai biện pháp giải quyết tranh chấp và thương lượng và hòa giải với những đặc điểm như sau:
Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tự nguyện bàn bạc, thỏa thuận nhằm loại bỏ tranh chấp mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba.
Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ, thuyết phục và tìm phương án giải quyết tranh chấp.
Về chủ thể:
Thương lượng là thỏa thuận giữa các bên trong tranh chấp.
Hòa giải là thỏa thuận giữa các bên và hòa giải viên trong tranh chấp.
Tính bí mật:
Thương lượng: Đảm bảo tính bí mật tuyệt đối.
Hòa giải: Đảm bảo tính bí mật mang tính chất tương đối, nhưng vẫn bí mật hơn so với phương thức tòa án.
Đặc điểm:
Thương lượng: Các bên tranh chấp sẽ tự thỏa thuận để giải quyết tranh chấp trên tinh thần tự nguyện, thiện chí.
Hòa giải: Có sự xuất hiện của người trung gian đóng vai hỗ trợ để tìm phương án giải quyết tranh chấp
Kinh phí:
Thương lượng: ít tốn kém kinh phí.
Hòa giải: tốn kém kinh phí hơn.
Khả năng thành công:
Đều phụ thuộc vào sự hợp tác trong mỗi bên tranh chấp
Khả năng lựa chọn người giải quyết tranh chấp:
Thương lượng: do 2 bên tự đi đến thỏa thuận với nhau.
Hòa giải: có khả năng lựa chọn người giải quyết tranh chấp
Ưu điểm:
Thương lượng: Đơn giản, nhanh chóng, ít tốn kém, bảo vệ được bí mật kinh doanh của các bên tranh chấp.
Hòa giải: Có khả năng thành công cao hơn
Nhược điểm:
Thương lượng: Không có sự ràng buộc, khả năng thực thi phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên
Hòa giải: Tốn kém chi phí, bí mật kinh doanh có thể bị ảnh hưởng, khả năng thực thi phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên.
Để được tư vấn, liên hệ công ty luật Hnlaw & Partners
Email: tuvan.hnlaw@gmail.com