Thành lập công ty hay chi nhánh
10:46 - 17/11/2019
Thành lập công ty hay chi nhánh để triển khai hoạt động đầu tư tại Việt Nam? Thành lập công ty hay chi nhánh: thành lập chi nhánh để đơn giản hóa thủ tục và chi phí...
Thành lập công ty hay chi nhánh để triển khai hoạt động đầu tư tại Việt Nam?
Thành lập công ty hay chi nhánh: thành lập chi nhánh để đơn giản hóa thủ tục và chi phí
1. Về hình thức thành lập tổ chức
Xét theo nhu cầu của công ty là muốn thuận tiện và dễ làm thì công ty nên chọn thành lập chi nhánh. Việc thành lập chi nhánh: Thứ nhất là sẽ tối giản và nhanh chóng hơn trong thủ tục và thời gian xin thành lập, công ty sẽ không phải thực hiện bước xin Giấy chứng nhận đầu tư với nhiều yêu cầu và điều kiện cần phải giải trình; Thứ hai là công ty vẫn đảm bảo chi nhánh được tự do hoạt động kinh doanh theo lĩnh vực của công ty; Thứ ba là các hoạt động của chi nhánh vẫn phụ thuộc vào quyền hạn và trách nhiệm mà công ty đề ra, đảm bảo công ty tại Nhật vẫn có thể nắm bắt và kiểm soát hoạt động của chi nhánh. (Điều 33 Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam). Tuy nhiên, thành lập chi nhánh cũng tồn tại một số yếu điểm như thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của chi nhánh hay chi nhánh sẽ không được hưởng ưu đãi về đầu tư đối với lĩnh vực này theo Luật Đầu tư hay Giấy phép thành lập chi nhánh chỉ có thời hạn 5 năm và sau đó phải làm thủ tục gia hạn.
Xét về sự thuận lợi trong việc phát triển và kinh doanh một cách lâu dài tại Việt Nam thì công ty nên chọn thành lập pháp nhân độc lập. Mặc dù thứ nhất về thủ tục thì việc thành lập công ty tại Việt Nam sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên lĩnh vực phần mềm là lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên mở cửa và được hưởng các ưu đãi về đầu tư áp dụng thuế suất thấp hơn, hoặc miễn thuế nhập khẩu hoặc miễn, giảm tiền thuê đất, sử dụng đất (Theo Điều 15 Luật Đầu tư). Thứ hai, việc thành lập tổ chức kinh tế là việc thành lập một pháp nhân mới, pháp nhân sẽ có tài sản độc lập, và nhà đầu tư chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp (công ty TNHH, công ty Cổ phần theo Luật Doanh nghiệp 2014), công ty nước ngoài không phải chịu toàn bộ các nghĩa vụ và thiệt hại phát sinh như đối với chi nhánh. Công ty nước ngoài cũng sẽ không phải là đối tượng chịu các khoản thuế khi đầu tư tại Việt Nam, toàn bộ hoạt động kế toán, nộp thuế sẽ do doanh nghiệp tại Việt Nam chịu trách nhiệm (Khoản 3 Điều 8 Luật Doanh nghiệp). Tiếp đến là mọi hoạt động của công ty độc lập sẽ không phụ thuộc vào công ty mẹ, có quyền hạn lớn trong việc kinh doanh, giao dịch hợp đồng mà không bị bó hẹp trong phạm vi ủy quyền của công ty nước ngoài (Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2014).
2. Người đại diện nên là người Việt Nam hay người Nhật thì sẽ thuận lợi hơn?
Xét theo thực tế hoạt động thì người đứng đầu Chi nhánh sẽ là người trực tiếp thực hiện việc quản lý chi nhánh, xây dựng chi nhánh và thực hiện các loại giao dịch trong thẩm quyền và biết cách phối hợp với công ty tại Nhật trong các hoạt động cần thiết. Vì vậy, người đứng đầu chi nhánh nên là công dân Việt Nam vì sẽ thông thạo ngôn ngữ, thuận lợi hơn trong việc áp dụng pháp luật và thực hiện các giao dịch hành chính cũng như không phải thực hiện các vấn đề liên quan đến giấy phép lao động, visa, tạm trú,…
3. Địa điểm cần có trước hay pháp nhân có trước?
Địa điểm cần có trước vì hồ sơ xin cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh cần có tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh theo điểm e Khoản 1 Điều 10 Nghị định 07/2016/NĐ-CP.
4. Quy định về vốn thành lập
Lĩnh vực mà công ty dự định thành lập tổ chức để kinh doanh hiện nay không quy định về vốn thành lập đối với chi nhánh. Công ty chỉ cần đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 8 Nghị định 07/2016/NĐ-CP.
5. Thời gian hoàn thiện thủ tục, hình thức thuế của việt nam là bao nhiêu %
– Thời gian hoàn thiện thủ tục thành lập chi nhánh tối đa là 10 ngày làm việc (Theo khoản 3 và khoản 4 Điều 17 Nghị định 07/2016/NĐ-CP)
– Công ty thuộc trường hợp phải chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp với thuế suất là 20% (Theo điểm d Điều 2 và Điều 11 Thông tư 78/2014/TT-BTC)
– Công ty không phải chịu thuế GTGT (Theo khoản 21 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC)
6. Sau khi trừ chi phí hoạt động ở Việt Nam, chuyển tiền về Nhật bị đánh thuế như thế nào?
Chi nhánh chỉ có thể chuyển lợi nhuận hàng năm về công ty mẹ. Theo khoản 5 Điều 19 Luật thương mại 2005 thì Chi nhánh của thương nhân nước ngoài được phép chuyển lợi nhuận ra nước ngoài nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, thời điểm chuyển lợi nhuận ra nước ngoài được quy định rất chặt chẽ tại Điều 4 Thông tư 186/2010/TT-BTC, bao gồm chuyển lợi nhuận hàng năm và chuyển lợi nhuận khi kết thúc hoạt động đầu tư trực tiếp với điều kiện đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật liên quan đến thu nhập hình thành nên khoản lợi nhuận mà nhà đầu tư nước ngoài chuyển ra nước ngoài. Như vậy, nếu muốn chuyển về công ty mẹ lợi nhuận từng lần, thường xuyên theo tháng, theo quý từ hoạt động đào tạo thì chi nhánh không thể thực hiện được mà chỉ có thể chuyển lợi nhuận hàng năm. Theo Khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh ngoại hối 2005, việc chuyển lợi nhuận này phải được thực hiện thông qua tài khoản ngoại tệ mở tại một tổ chức tín dụng được phép.
7. Hồ sơ phía Nhật bản cần chuẩn bị?
Hồ sơ thành lập được quy định tại Điều 21 Nghị định 07/2016/NĐ-CP
Phía Nhật Bản cần chuẩn bị các giấy tờ gốc sau đây để gửi về phía Việt Nam:
– Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài;
– Văn bản của thương nhân nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu Chi nhánh;
– Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị tương đương; hộ chiếu của người đứng đầu Chi nhánh (nếu là người nước ngoài);
– Điều lệ hoạt động của Chi nhánh;
8. Ở VN cần chuẩn bị những gì?
Việt Nam cần hoàn thiện hồ đăng ký thành lập chi nhánh bao gồm: Đơn đề nghị, Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh và bản sao các tài liệu mà Nhật Bản đã chuẩn bị (trừ văn bản bổ nhiệm) có dịch ra tiếng Việt và chứng thực, riêng giấy Đăng ký kinh doanh phải được hợp pháp hóa lãnh sự hoặc chứng nhận của cơ quan lãnh sự.
9. Cơ chế chính sách ở Việt Nam?
Việc hoạt động của chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam hiện nay được điêu chỉnh bởi Luật Thương mại và Nghị định 07/2016/NĐ-CP. Việt Nam không có ưu đãi gì đối với chi nhánh của thương nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam.
Công ty luật Hnlaw & Partners
Email: tuvan.hnlaw@gmail.com
http://www.hnlaw.vn/tu-van-dau-tu/