Phạt vi phạm tốc độ
08:42 - 14/05/2020
Phạt vi phạm tốc độ
Câu hỏi:Cách đây nữa năm tôi điều khiển xe máy vi phạm chạy quá tốc độ 56/50km/h và bị lập biên bản tạm giữ bằng lái xe A1. Khi tôi hỏi có đóng phạt tại chỗ không? Vì tôi bận và khá xa mấy tháng sau tôi mới …
Phạt vi phạm tốc độ
Câu hỏi:
Cách đây nữa năm tôi điều khiển xe máy vi phạm chạy quá tốc độ 56/50km/h và bị lập biên bản tạm giữ bằng lái xe A1. Khi tôi hỏi có đóng phạt tại chỗ không? Vì tôi bận và khá xa mấy tháng sau tôi mới đóng phạt được. Phía CSGT trả lời: Không được, anh phải lên kho bạc đóng, bao lâu cũng được miễn sao có đóng phạt thì mới lấy lại được blx Nếu anh tiếp tục tham gia giao thông mà vi phạm lần nữa sẽ phạt nặng hơn, còn khi kiểm tra hành chánh thì biên bản này thay thế cho bằng lái xe. Trên biên bản không có ngày hẹn xử lý đóng phạt. Gần đây tôi bị kiểm tra hành chính và bị lập biên bản không bằng lái. Phạt vậy đúng hay sai?
Trả lời: Phía CSGT đã thực hiện sai thủ tục xử phạt vi phạm hành chính.
Phạt vi phạm tốc độ
Căn cứ pháp lý:
- Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;
- Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
- Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
- Thứ nhất, về căn cứ xử phạt vi phạm
Theo tình huống, bạn đã điều khiển xe với tốc độ là 56 km/h. Phân tích về lỗi vi phạm của bạn, phương tiện của bạn thuộc đối tượng xe cơ giới theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 31/2019/TTBGTVT: “2. Xe cơ giới gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.” Theo đó tại Điều 6 Thông tư này, tốc độ cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) được chia làm hai trường hợp:
- Trường hợp 1: xe cơ giới tham gia giao thông tại nơi đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên thì tốc độ tối đa được phép là 60 km/h.
è Nếu rơi vào trường hợp này, bạn không vi phạm luật giao thông đường bộ nên CSGT sẽ không được phạt vi phạm bạn.
- Trường hợp 2: xe cơ giới tham gia giao thông tại nơi đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới thì tốc độ tối đa được phép là 50 km/h.
Theo đó, bạn đã vi phạm tốc độ khi điều khiển xe chạy với tốc độ là 56 km/h, quá tốc độ cho phép là 6 km/h. Vì vậy bạn sẽ bị xử vi phạm hành chính. Cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm của bạn được quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:
“Điều 6: Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h;”
è Nếu rơi vào trường hợp này, bạn đã vi phạm luật giao thông đường bộ nên sẽ bị phạt vi phạm, CSGT phạt vi phạm bạn là đúng.
- Thứ hai, về thủ tục xử lý vi phạm
Theo Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì: “Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.”
Như vậy, căn cứ theo mức phạt của bạn thì trường hợp của bạn không phải lập biên bản mà khi đó CSGT sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và bạn được nộp phạt tại chỗ. Thêm vào đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 69 về cách thi hành quyết định xử phạt không lập biên bản thì:
“Cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt và phải nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt.
Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ thì nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật này.”
Như vậy, trong trường hợp của bạn, CSGT lẽ ra phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ thay vì lập một biên bản và tạm giữ GPLX của bạn. Bạn có quyền được nộp phạt tại chỗ và phía CSGT mới là người phải chịu trách nhiệm nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước. Chỉ khi không có khả năng nộp phạt tại chỗ thì bạn mới phải là người trực tiếp đi nộp, và có quyết định xử phạt thì mới có căn cứ nộp phạt. Tuy nhiên trong sự kiện trên bạn là người có mong muốn và hoàn toàn có khả năng nộp phạt tại chỗ nhưng phía CSGT lại không đồng ý và yêu cầu bạn nộp phạt tại Kho bạc trong khi không có quyết định xử phạt. Do đây không phải là trường hợp áp dụng lập biên bản nên biên bản được lập đó không có giá trị thay thế GPLX của bạn.
Theo khoản 6 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì:
“Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì
người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt.”
Vậy trong trường hợp bạn không có khả năng nộp phạt tại chỗ thì CSGT có quyền tạm giữ GPLX của bạn cho đến khi bạn đã nộp được tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước, đã chấp hành xong quyết định xử phạt – tức quyết định xử phạt phải được ban hành rồi. Khi đó, quyết định xử phạt tại chỗ mới là tài liệu có giá trị thay thế GPLX trong thời gian GPLX của bạn bị thu, chứ không phải là biên bản vi phạm hành chính. Theo Khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn nộp tiền phạt là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn nêu trên, bạn sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì bạn phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
è Như vậy, phía CSGT đã thực hiện sai luật về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính.
Để được tư vấn xin quý khách hàng cung cấp thông tin gồm: tên, số CMT, CCCD, email, số điện thoại liên hệ đối với khách hàng là cá nhân; tên doanh nghiệp và mã số thuế, số điện thoại liên hệ đối với khách hàng doanh nghiệp! Quý khách hàng có thể gửi thông tin về địa chỉ email của chúng tôi như ở dưới để được tư vấn chi tiết thủ tục và nhận bảng báo giá dịch vụ.
CÔNG TY LUẬT HNLAW & PARTNERS
Địa chỉ: Toà nhà DBS, số N028, lô 31 khu dịch vụ thương mại và nhà ở Hà Trì, phường Hà Trì, Hà Đông, Hà Nội.
Email: tuvan.hnlaw@gmail.com